Trình Quốc hội thành lập TP.Huế trực thuộc T.Ư trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số của tỉnh Thừa Thiên – Huế tại kỳ họp 8 vào tháng 10.
Sáng 28.9, tiếp tục phiên họp 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đề án thành lập TP.Huế trực thuộc T.Ư và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Tại tờ trình, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, Chính phủ đề nghị thành lập TP.Huế trực thuộc T.Ư trên cơ sở nguyên trạng 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 1,236 triệu người của tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Đồng thời, thành lập 2 quận, 1 thị xã, 1 huyện và 11 phường, 1 xã, 1 thị trấn thuộc TP.Huế trực thuộc T.Ư trên cơ sở sắp xếp, thành lập các huyện, cấp xã có liên quan.
Cụ thể, thành lập 2 quận (Phú Xuân, Thuận Hóa) thuộc TP.Huế trực thuộc T.Ư trên cơ sở TP.Huế hiện hữu. Thành lập TX.Phong Điền trên cơ sở nguyên trạng H.Phong Điền. Cùng đó, nhập H.Nam Đông với H.Phú Lộc để thành lập H.Phú Lộc mới.
Ngoài ra, thành lập 11 phường, 1 thị trấn và 1 xã trên cơ sở sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp xã (2 phường, 1 thị trấn, 18 xã).
Sau khi thành lập, TP.Huế trực thuộc T.Ư có 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 1,236 triệu người. Thành phố có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện; có 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 78 xã, 48 phường, 7 thị trấn. Tỷ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người).
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, tỉnh Thừa Thiên – Huế có vai trò, vị thế quan trọng của một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa của đất nước.
Bộ Chính trị từ năm 2019 đã có Nghị quyết 54, xác định mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư.
“Việc thành lập TP.Huế trực thuộc T.Ư sẽ tạo động lực phát triển mới không chỉ cho TP.Huế mà còn đóng góp thiết thực cho khu vực miền Trung và cả nước. Bảo tồn, phát huy tốt hơn giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị”, bà Trà nêu rõ.
Thành phố Huế trực thuộc T.Ư trên cơ sở nguyên trạng tỉnh Thừa Thiên – Huế
Vẫn theo Bộ trưởng Nội vụ, đề án lấy ý kiến nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và thông qua HĐND các cấp theo quy định.
Ngày 9.9 vừa qua, Hội đồng thẩm định cấp nhà nước đã họp và thống nhất thông qua với số phiếu tán thành đạt 100% (17/17 thành viên). Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã xem xét, thống nhất và trình Bộ Chính trị, T.Ư xem xét, đồng ý về chủ trương thành lập TP.Huế trực thuộc T.Ư.
Cạnh đó, theo bà Trà, đề án đã có phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của TP.Huế trực thuộc T.Ư và các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc; bố trí, giải quyết số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư; trụ sở, tài sản công dôi dư và thực hiện các chính sách đặc thù trên địa bàn theo đúng quy định.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng nhất thiết phải nhấn mạnh việc thành lập TP.Huế trực thuộc T.Ư không chỉ là niềm tự hào riêng của Thừa Thiên – Huế mà là niềm tự hào chung của cả nước.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần quan tâm đến các tiêu chí làm nổi bật thế mạnh của Huế. Chủ tịch Quốc hội gợi ý có những việc không tiền cũng làm được, như xây dựng thành phố sáng, xanh, sạch đẹp, xây dựng đội ngũ cán bộ mạnh, quyết đoán, quyết liệt, quyết tâm, quyết làm.
“Mục tiêu cuối cùng của việc lên thành phố trực thuộc T.Ư là lo cho người dân Huế có cuộc sống sung túc hơn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao trình Quốc hội xem xét quyết định đề án thành lập TP.Huế trực thuộc T.Ư tại kỳ họp 8 khai mạc vào ngày 21.10 tới.
Theo: Báo Thanh Niên (Link gốc)
Tags: Dân xã, tỉnh Thừa Thiên Huế, TP.Huế trực thuộc T.Ư