Chuyển cổ phiếu lớn từ UPCoM sang HoSE: Tăng hàng chất lượng, thị trường thêm nhiệt

Tin mới 11:34 chiều, Thứ Tư, 17 Tháng Bảy 2024

Để tăng số lượng cổ phiếu chất lượng để thoả mãn các tiêu chí đưa vào rổ chỉ số sau khi nâng hạng thị trường, Tổng giám đốc MASVN đề xuất chuyển các cổ phiếu vốn hoá lớn, có yếu tố cơ bản tốt từ UPCoM sang niêm yết ở HoSE.

TTCK giảm nhiệt trong quý II

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khởi sắc khá tốt kể từ sau khi tạo đáy vào tháng 10/2023. Diễn biến tăng trưởng của VN-Index diễn ra xuyên suốt trong quý I.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), các lý do giúp thị trường tăng trưởng trong thời gian là định giá thị trường ở mức nền rất thấp và lãi suất cũng ở mức thấp, cộng với việc các doanh nghiệp có cải thiện về lợi nhuận.

Tuy vậy, tăng trưởng của thị trường đã chững lại kể từ tháng 4 vừa qua, thị trường đã có những đợt điều chỉnh khá mạnh. Những lý do có thể kể đến như mối lo ngại về tỷ giá, về lãi suất. Theo đó, bà Hằng Nga cho biết, về mặt tỷ giá, hiện lãi suất của Mỹ vẫn được duy trì ở mức cao và chênh lệch khá lớn so với Việt Nam, gây áp lên lực tỷ giá rất lớn… Để giảm áp lực lên tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái hút dòng tiền ở hệ thống liên ngân hàng.

Bên cạnh đó là áp lực về lạm phát. Trong quý II, lạm phát đã tăng 4,4%, dẫn đến những lo ngại về việc sẽ phải tăng lãi suất trở lại. Trên thực tế, một số ngân hàng đã bắt đầu có động thái tăng lãi suất huy động, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.

Ngoài ra, việc khối ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của nhà đầu tư. Theo đó, tình trạng bán ròng của khối ngoại đã diễn ra trong suốt năm 2023 cho đến đầu năm 2024. Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tới gần 2 tỷ USD.

bà Nguyễn Thị Hằng Nga và ông Kang Moon Kyung tại Talkshow Phố Tài chính

Còn theo ông Kang Moon Kyung, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), sự tăng trưởng mạnh mẽ của VN-Index trong quý I có động lực chính đến từ triển vọng lợi nhuận của nhóm ngân hàng. Theo đó, việc tăng trưởng tín dụng bùng nổ trong các tháng cuối của năm 2023 đã kéo theo kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận quý I/2024, cùng với kỳ vọng Fed sẽ sớm giảm lãi suất hồi đầu năm.

Tuy nhiên, các động lực này đã được phản ánh vào đà tăng mạnh mẽ trong các tháng đầu năm 2024, và bị giảm đi đáng kể khi bước sang quý II. Điều này đã khiến thị trường điều chỉnh mạnh khi bước sang tháng 4. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng các tháng 4 và tháng 5 khá yếu, dẫn đến giá cổ phiếu của các ngành vốn chiếm tỷ trọng vốn hoá lớn là ngân hàng và bất động sản hạ nhiệt, làm thị trường chung giảm trong quý II/2024.

Về áp lực bán ròng của khối ngoại từ năm 2023 đến nay, ông Kang Moon Kyung cho rằng nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của sự chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ (5,33%) và Việt Nam (4,5%). Chênh lệch này khiến cho việc nắm giữ USD là một lợi thế về mặt tỷ giá.

“Khi so sánh thêm về tính hấp dẫn của làn sóng đầu tư vào cổ phiếu công nghệ tại Mỹ hay diễn biến chung của các chỉ số chứng khoán tại Mỹ cũng cho thấy có phần hấp dẫn hơn so với thị trường Việt Nam. Hiện tại, Fed đã công bố bản dự phóng kinh tế rằng sẽ có ít nhất 1 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, và 4 lần giảm lãi suất trong năm 2025. Do đó, áp lực mất giá lên tiền đồng vẫn là mối quan ngại chính của chúng tôi cho đến giữa năm 2025”, ông Kang Moon Kyung cho biết.

Cần thêm doanh nghiệp chất lượng lên sàn

Dự báo về triển vọng thị trường chứng khoán trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Hằng Nga cho biết nhìn vào dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp mà được tổng hợp trên Bloomberg thì dự báo năm 2024, lợi nhuận các doanh nghiệp có thể tăng tới 36%. Với mức tăng trưởng này, chỉ số giá trên lợi nhuận cuối năm 2024 có thể điều chỉnh xuống mức khoảng 11,6 lần. Bà Nga đánh giá đây là con số rất hấp dẫn cho thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, ngân hàng là ngành chiếm tỷ trọng rất lớn trong chỉ số VN-Index, dự báo trong thời gian tới khi nhu cầu tín dụng tăng lên và những áp lực về nợ xấu giảm đi, thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục, lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ được cải thiện, giá cổ phiếu khởi sắc…sẽ là động lực lớn cho thị trường.

Theo Tổng giám đốc VCBF, thị trường chứng khoán Việt Nam với sự nỗ lực của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cùng sự tư vấn của Ngân hàng Thế giới sẽ được FTSE ra quyết định nâng hạng vào khoảng tháng 9/2025.

Khi đó, từ một chợ nhỏ, chợ cóc, thị trường sẽ trở thành một chợ của thành phố, nơi có nhiều người muốn buôn bán và kinh doanh, sẽ thu hút được dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn.

“Tuy nhiên, khi đến giai đoạn sàng lọc và tìm kiếm cơ hội đầu tư, chúng ta thấy rằng hiện không có quá nhiều cơ hội hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi rất mong là Chính phủ sẽ có những giải pháp để thúc đẩy những công ty có chất lượng lên sàn”, bà Nga cho biết.

Theo đó, bà đề xuất Chính phủ có thể cân nhắc thêm một đợt miễn giảm thuế cho những doanh nghiệp niêm yết để tạo ra một làn sóng niêm yết mới trên sàn, giống như giai đoạn trước Chính phủ đã từng thực hiện.

Cùng với đó, bản thân các công ty cũng phải nâng hạng doanh nghiệp cả về chất lượng quản trị và những đường hướng kinh doanh, minh bạch hơn để nhà đầu tư tin tưởng đầu tư lâu dài.

Tổng giám đốc MASVN cũng cho rằng cần tăng số lượng cổ phiếu chất lượng để thoả mãn các tiêu chí đưa vào rổ chỉ số sau khi nâng hạng thị trường. Theo đó, ông Kang Moon Kyung đề xuất chuyển các cổ phiếu vốn hoá lớn, có yếu tố cơ bản tốt từ UPCoM sang niêm yết ở HoSE. Ngoài ra, ông cũng đề xuất đẩy nhanh quá trình IPO của các công ty tiềm năng (đặc biệt là các công ty Nhà nước), cũng như thúc đẩy việc thoái vốn Nhà nước ở các công ty đang niêm yết.

“Các giải pháp này sẽ không chỉ giúp đa dạng hoá cấu trúc tổng thể của thị trường, mà còn cải thiện yếu tố về quy mô và thanh khoản thị trường”, ông Kang Moon Kyung cho biết.

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/chuyen-co-phieu-lon-tu-upcom-sang-hose-tang-hang-chat-luong-thi-truong-them-nhiet-d113458.html

Tags: , ,